Ngày hội STEM thu hút gần 4.000 học trò trường Tiểu học Xuân Đỉnh tham gia

17:33 | 15/03/2022 Print
TTTĐ - Ngày 15/3, trường Tiểu học Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tổ chức thành công ngày hội STEM theo hình thức trực tuyến cho gần 4.000 học sinh của 85 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5.
Học sinh Hà Nội chống biến đổi khí hậu thông qua Ngày hội STEM

Ngày hội được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh để học sinh được trải nghiệm một số hoạt động, bài học STEM, lan tỏa niềm đam mê, tìm tòi khám phá khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học; Hướng học sinh đến thực hành, vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống.

Giáo viên trường Tiểu học Xuân Đỉnh hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động trong ngày hội
Giáo viên trường Tiểu học Xuân Đỉnh hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động trong ngày hội

STEM – được viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kĩ thuật) và Maths (toán học). Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng, nhằm kích thích tình yêu khám phá khoa học, khơi dậy đam mê, giúp học sinh hiểu biết nhiều hơn về các khái niệm lý thuyết trong sách vở.

Tại ngày hội, các em học sinh được tìm hiểu kiến thức cơ bản của STEM, tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá thú vị với chủ đề “Sắc màu khoa học”.

Ngày hội thu hút đông đảo học sinh toàn trường tham gia
Ngày hội thu hút đông đảo học sinh toàn trường tham gia

Trong đó, học sinh khối lớp 1, khám phá mật độ chất lòng và sự hoà trộn màu với “Dung nhan phun trào" và "Cầu vồng đi bộ trong nước”. Khối lớp 2 được thể hiện khả năng cảm thụ âm thanh qua trải nghiệm “Sáo xinh từ ống hút” và trò chơi khoa học đơn giản “ Mê cung thần bí”.

Với khối lớp 3, 4, 5, học sinh được cùng nhau nghiên cứu, trải nghiệm và tạo ra sản phẩm. Hoạt động làm cối xay gió” giúp học sinh khới lớp 3 hiểu nguyên lí hoạt động và tác dụng của cối xay gió trong đời sống tự nhiên...

Học sinh của trường thực hành thí nghiệm
Học sinh của trường thực hành thí nghiệm

Học sinh khối 4 có trải nghiệm thú vị với "Ô tô tự chạy” không cần bất kì loại máy móc động cơ hiện đại nào mà là từ năng lượng của gió. Đây cũng là một bài học tuyệt vời trong việc tái chế các vật bỏ đi biến thành trò chơi lí thú. Không dừng lại ở đó, các bạn nhỏ khối 4 còn rất thích thú khi quả bóng bay được thổi phồng chỉ nhờ hỗn hợp bakingsoda trộn lẫn dấm trong thí nghiệm “Quả bóng kì diệu”.

Học trò khối 5 trổ tài khéo léo khi làm ra “Pháo hoa giấy” và hiểu sâu hơn về nguyên lí: Đèn sẽ sáng nếu có dòng điện chạy qua mạch kín từ cực dương đến cực âm của pin với hoạt động “Đèn ngủ tự chế”.

Mỗi khối lớp đã lựa chọn các hoạt động STEM với nội dung và hình thức đa dạng và phong phú. Hoạt động này mang đến cho học sinh nhiều niềm vui, đồng thời kích thích ở các em sự tò mò ham hiểu biết.

Ngày hội mang đến cho các em học sinh nhiều trải nghiệm lý thú
Ngày hội mang đến cho các em học sinh nhiều trải nghiệm lý thú

Theo cô Trần Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đỉnh, ngày hội STEM là hoạt động thường niên của trường, hướng học sinh đến thực hành, vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, học sinh chưa được đến trường học tập trực tiếp nhưng các em vẫn có những trải nghiệm đa dạng, lí thú qua hình thức trực tuyến.

"Mong rằng thông qua ngày hội STEM sẽ truyền cảm hứng yêu khoa học, đánh thức khả năng sáng tạo của học sinh với phương pháp giáo dục "học qua hành", góp phần tạo nên một thế hệ học sinh có tố chất, giúp nhà trường đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Ngày hội cũng trở thành nơi giao lưu học hỏi, thắp lên tình yêu, nhiệt huyết với khoa học của không ít các bạn học sinh trong trường", cô Trần Thị Thanh Hải chia sẻ.

Ngày hội còn là hoạt động giúp cân bằng trạng thái tâm lí cho học sinh khi học online kéo dài; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục, phụ huynh đồng hành cùng con trong các hoạt động trải nghiệm; Đồng thời quảng bá tới cha mẹ học sinh định hướng giáo dục STEM của nhà trường và ngành giáo dục quận Bắc Từ Liêm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyễn Dũng

© Giáo dục trẻ