Khuyến khích xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy và học tiếng Anh

11:33 | 08/09/2022 Print
TTTĐ - Tại Văn bản 4088/BGDĐT-GDTH về hướng dẫn triển khai nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, điểm nhấn là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; Tổ chức học tiếng Anh, Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3...
Mô hình học tiếng Anh trực tuyến "gây sốt" trong mùa dịch Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông Lớp tiếng Anh miễn phí trong những ngày giãn cách xã hội Giúp học sinh tự tin nói tiếng Anh

Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, lên kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch theo quy định đảm bảo cuối năm học, học sinh phải đạt được yêu cầu cần đạt.

Khi xây dựng kế hoạch năm học 2022- 2023, các trường cần lưu ý việc củng cố, bổ sung những nội dung có liên quan ở lớp học dưới, những kiến thức, kỹ năng còn hạn chế do thực hiện tinh giảm nội dung của năm học trước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Khuyến khích xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy và học tiếng Anh
Ảnh minh họa

Các cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, 2, 3 theo văn bản hướng dẫn chuyên môn về giáo dục tiểu học đã được Bộ ban hành; Đảm bảo tỉ lệ một phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; Có đủ thiết bị dạy học tối thiểu, đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục.

Cơ sở giáo dục thực hiện dạy dạy học các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo chương trình mới; Tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; Các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở tổ chức học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; Đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày, trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định, cơ sở giáo dục chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn tự chọn, hoạt động củng cố và hoạt động giáo dục khác.

Các trường xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú có nội dung, hình thức phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh; Tổ chức các hoạt động cho học sinh sau giờ học chính thức trong ngày là hoạt động theo nhu cầu, sở thích của học sinh.

Bộ đề nghị tiếp tục triển khai chương trình môn tiếng Anh tự chọn; tổ chức học tiếng Anh, Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3; Khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy tiếng Anh để tăng cường thời lượng môn học này; Dạy tiếng Anh qua các chủ đề môn Toán - Khoa học, dạy một số môn bằng tiếng Anh; Tăng cường cho giáo viên, học sinh học tiếng Anh qua truyền hình và các phương tiện truyền thông phù hợp.

Các cơ sở chú trọng dạy học nội dung giáo dục địa phương, triển khai giáo dục Stem; Nâng cao hiệu quả, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và phương pháp, hình thức đánh giá học sinh.

Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019, vì vậy khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại mạng lười trường, lớp tiểu học cần phải gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, phù hợp tâm sinh lí lứa tuổi học sinh và nhu cầu, điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Khi thực hiện quy hoạch, dồn ghép trường lớp cần ưu tiên thực hiện dồn ghép các trường tiểu học có quy mô nhỏ với nhau đảm bảo thực hiện đúng quy định của Điều lệ; Có thể bố trí điểm trường để tạo điều kiện thuận lợi cho người học; có thể thành lập các trường tiểu học liên xã, liên phường, không thành lập trường liên cấp mầm non, tiểu học.

Đối với các trường liên cấp tiểu học - THCS, Bộ GD&ĐT yêu cầu đảm bảo quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó đặc biệt quan tâm đến khối phòng học tập, khối phụ trợ cần bố trí thành phân khu riêng biệt cho từng cấp học; Trong đó các phòng học bộ môn cần được bố trí riêng biệt cho các cấp học, ngoại trừ các phòng có thể dùng chung cho một số môn học.

Ngọc Minh

© Giáo dục trẻ