Bộ GD&ĐT lên phương án khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

09:22 | 05/10/2022 Print
TTTĐ - Bộ GD&ĐT đã có báo cáo số 1295/BC-BGDĐT gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội liên quan đến tình hình thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Giáo viên đạt IELTS từ 6.5 sẽ được đi bồi dưỡng ở nước ngoài

Trong 19 nhóm vấn đề báo cáo lên Quốc hội, Bộ GD&ĐT có đề cập đến nhiệm vụ khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên.

Ưu tiên tuyển giáo viên dạy môn học mới

Bộ cũng sẽ xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 16 theo hướng: Quy định tỷ lệ giáo viên/học sinh theo các vùng miền nhằm bảo đảm tương quan giữa các vùng miền để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Đối với nhiệm vụ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi, báo cáo nêu rõ: Bộ đã triển khai rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Bộ GD&ĐT lên phương án khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Ảnh minh họa

Từ đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng hơn 27.800 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022 - 2023.

Bộ cũng lưu ý, việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Đồng thời, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Mặt khác, theo Bộ GD&ĐT, cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026; Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; Chỉ đạo sắp xếp, dồn dịch các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo tính hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và đồng bộ các giải pháp khác.

Bộ sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật để hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ như: Trình Chính phủ xem xét, quyết định đưa dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo vào chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Sửa đổi, bổ sung các quy định tại chùm Thông tư 01 - 04, nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ giáo viên.

Cùng với đó, xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015 theo hướng không quy định “tối đa” định mức giáo viên/lớp, nhóm trẻ. Qua đó, các địa phương có cơ sở tuyển dụng, hợp đồng giáo viên bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng

Đề cập đến phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, Báo cáo của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tuyển đủ số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định bổ sung cho địa phương năm học 2022 - 2023 và các năm tiếp theo.

Tập trung chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới.

Cùng với đó, Bộ tiếp tục triển khai khảo sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách đối với giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và thực trạng hoạt động nghề nghiệp của giáo viên các trường chuyên biệt làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình mới.

Ngành Giáo dục tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Đồng thời, ngành chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mặt khác, Bộ dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ; Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

Ngọc Minh

© Giáo dục trẻ