Đề xuất xem xét thận trọng chương trình cải cách giáo dục phổ thông, không để Lịch sử là môn học tự chọn Lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội liên quan đến Chương trình giáo dục môn Lịch sử

Ngày 11/7, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT sẽ chuyển môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để kịp thời triển khai ngay trong năm học 2022-2023 ở lớp 10, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.

Lịch sử là môn học bắt buộc ở trường phổ thông với thời lượng 52 tiết/năm học
Ảnh minh họa

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, giáo viên về chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc, trước ngày 14/8.

Bộ cũng yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban biên soạn, tổ biên tập và tổ chức thẩm định phần nội dung Lịch sử bắt buộc. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8; Thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông và thực hiện nhiệm vụ biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, hoàn thành trước ngày 25/8.

Các đơn vị sẽ tổ chức các đợt tập huấn, 3 buổi/đợt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm hướng dẫn giáo viên, các trường về phần nội dung Lịch sử bắt buộc mới, hoàn thành trước 20/9.

Thay đổi trên được đưa ra trong bối cảnh, ngày 27/6, Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu thiết kế lại môn Lịch sử bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2022 - 2023 gồm cả hai phần tự chọn và bắt buộc.

Theo đó, Bộ GD&ĐT thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo giáo dục truyền thống…

Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai chương trình này; Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12).

Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi về toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam.

Đến giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.

Được thông qua từ năm 2018 nhưng khi đưa vào triển khai, bắt đầu với lớp 10 từ năm học 2022-2023, chương trình vấp phải nhiều tranh cãi liên quan đến môn Sử.

Các ý kiến phản đối xuất phát từ lo ngại rằng, đưa Lịch sử thành môn tự chọn ở cấp THPT sẽ khiến học sinh quên kiến thức lịch sử, ảnh hưởng đến nhận thức và lòng yêu nước của các thế hệ tiếp theo.