Truyền lửa tình yêu quê hương, đất nước đến thế hệ trẻ Thiếu nhi Hoàng Mai thể hiện tình yêu quê hương qua mô hình sinh hoạt dưới cờ

Những bài giảng thú vị

Nhiều tiết học được thiết kế có nội dung phong phú, gần gũi, phát huy được sức sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh. Tiết học giáo dục địa phương của các học sinh lớp 6A2 (trường Trung học cơ sở Hoàng Mai, quận Hoàng Mai) là một tiết học như thế. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên, tiết học diễn ra sôi nổi, hào hứng.

Các em học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Diệu tham gia tiết học đầy hào hứng
Các em học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Diệu tham gia tiết học đầy hào hứng

Bằng sự dẫn dắt mềm mại, uyển chuyển, học sinh được tìm hiểu về nét đẹp độc đáo, tinh tế trong phong cách, nếp sống người Hà Nội cùng với những tính cách hiền hòa, chịu thương, chịu khó của người dân Kẻ Chợ - kinh thành Thăng Long xưa.

Cùng với đó, học sinh còn được xem những thước phim thấm thía về tình cảm gia đình. Nhiều em đã xúc động và gọi điện chia sẻ, cảm ơn thầy cô đã giúp bản thân cảm nhận được tình yêu thương gia đình, hiểu sợi dây tình cảm gắn bó trong mỗi gia đình người Hà Nội qua bao thế hệ.

Không chỉ vậy, các em học sinh được tìm hiểu về nét đặc trưng ẩm thực của Hà Nội qua các món ăn như chả cá Lã Vọng, cốm làng Vòng hay món bánh cuốn Thanh Trì gần gũi, giản dị mà thân thương.

Còn tại lớp 6A3, giáo viên đã dẫn dắt học sinh tìm hiểu về văn học dân gian thời kỳ dựng nước. Học sinh được tham gia trò chơi mini game khám phá nền văn học Việt Nam cổ đại với các câu chuyện cổ tích, thần thoại phong phú, đặc sắc.

Tìm hiểu hệ thống thể loại các tác phẩm văn chương thời kỳ dựng nước không phải bằng những khái niệm đơn thuần, các em được trực tiếp nghe các làn điệu dân ca, câu đối đáp đầy biến tấu của nhân dân trong hội làng, dịp lễ. Tiết học sáng tạo như một cuộc dạo chơi, khiến học sinh hào hứng.

Nuôi dưỡng tình yêu quê hương

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào chương trình giáo dục phổ thông góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.

Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều trường học đã và đang triển khai nhiều hoạt động giáo dục địa phương căn cứ theo những đặc thù văn hóa, lịch sử nơi nhà trường hoạt động.

Mới đây, tại trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình), tiết học về lịch sử địa phương bài Thăng Long tứ trấn cũng thu hút sự tham gia đầy hào hứng, say mê của các em học sinh lớp 3A5 dưới sự dẫn dắt của cô Nguyễn Thanh Lan.

Đây là một hoạt động quan trọng nhằm đánh giá mức độ nắm bắt nội dung, sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên, tiếp thu kiến thức của học sinh trong thực tiễn, mức độ kiến thức, tính sư phạm, tính khoa học của tài liệu, đồng thời thực nghiệm các hoạt động được tổ chức trong giờ học.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, đây là hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn thành phố.

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) đã tổ chức cho các em học sinh tham quan giáo dục truyền thống lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng B52 nằm ngay tại địa bàn quận.

Buổi học tập giáo dục truyền thống đã giúp các em hiểu rõ hơn những hy sinh của thế hệ đi trước cho nền hòa bình, độc lập hôm nay. Qua buổi học ngoại khóa đó, các em học sinh biết ơn, trân trọng những anh hùng dân tộc, nuôi dưỡng thêm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với môn học mới “Nội dung giáo dục địa phương” đã được Bộ GD&ĐT yêu cầu giảng dạy sao cho phù hợp với từng địa phương.

Đây là phương pháp dạy học gắn với thực tế hiệu quả, tạo hứng thú học tập cho học sinh và đúng với triết lý viết sách giáo khoa “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, các em càng thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào truyền thống, lịch sử dân tộc…

Dạy nội dung giáo dục địa phương gắn với di tích lịch sử văn hóa cần được duy trì phát huy ở các trường học tại các địa phương khác trên cả nước. Nội dung giáo dục địa phương sẽ đảm nhận công việc của địa phương mình để giúp cho học sinh những trải nghiệm cần thiết và bổ ích nhất. Chẳng hạn đối với môn Lịch sử khi học về vùng đất, con người, những nhân vật lịch sử ở địa phương thì thầy và trò có thể đến tận nơi để trải nghiệm.

Việc dạy môn học mới đáp ứng đúng với nội dung giáo dục địa phương là khá khó khăn với các giáo viên bởi lẽ chính các giáo viên hiện nay chưa có tài liệu sẵn. Các học sinh cũng hiểu biết rất ít đối với nơi mình đang học, đặc biệt là đối với các học sinh Hà Nội, nơi có nhiều học sinh nhập cư.