Quảng Nam: Hơn 151 tỷ đồng thực hiện Chương trình Sữa học đường
![]() |
Không chỉ tăng cường sức đề kháng cho trẻ, sữa học đường còn mang giá trị nhân văn lớn lao khi giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng về kinh tế |
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch về Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh, từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2025 - 2026.
Đối tượng áp dụng là trẻ em mẫu giáo (từ 3 - 6 tuổi) và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (đã được cấp phép) tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn Quảng Nam (theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025).
Theo đó, mỗi ngày trẻ được uống 1 hộp sữa 180ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học, từ đầu năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2025 - 2026. Tổng kinh phí thực hiện hơn 151,9 tỷ đồng; trong đó kinh phí mua sữa khoảng 150 tỷ đồng.
Được biết, với mục đích thực hiện Chương trình Sữa học đường nhằm tăng thêm nguồn dinh dưỡng hợp lý, an toàn, lành mạnh bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần đối với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao còn nhiều khó khăn trong phát triển giáo dục sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa khu vực miền núi và đồng bằng còn lớn.
Những năm qua, chính quyền các cấp đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học sinh miền núi. Trong đó, Chương trình Sữa học đường đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình thiết thực, ý nghĩa, giàu tính nhân văn.